Để hiện thực hoá mục tiêu Net Zero, Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng cần ngay nhiều giải pháp khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, đồng thời chuyển đổi dần xe cá nhân cũ sang các loại xe điện.
"Chuyển đổi sang xe xanh là mệnh lệnh của cuộc sống"
Đây là nhận định của Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ tại tọa đàm: "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó", do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 15/8.
Theo ông Tùng, phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy chính là nguồn gây ô nhiễm không khí, nhất là ở các thành phố lớn. Lấy dẫn chứng như tại Hà Nội, với hơn 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô như hiện nay, lượng khí thải carbon từ các phương tiện này rất lớn, có thể chiếm 30-40% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng tại tọa đàm: "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó". Ảnh: Hoàng Hiệp
Đáng quan ngại hơn, số lượng phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong không ngừng tăng lên và "già đi", khiến mục tiêu theo cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam gặp khó.
Do vậy, theo vị chuyên gia này, việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện xanh như xe điện, xe sử dụng nhiên liệu hydro,... không chỉ là vấn đề tất yếu mà còn là "mệnh lệnh" từ cuộc sống, không thể làm khác được. Bởi, nếu không chuyển đổi giao thông xanh, ô nhiễm môi trường tiếp tục gây nguy hại đến con người, như vậy sẽ tổn thất rất lớn đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường.
"Để tiến đến đưa phát thải ròng về "0", chúng ta có Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, thể hiện quyết tâm của Chính phủ đối với mục tiêu này. Do đó, không chỉ ô tô, xe máy mà cả xe tải cũng cần phải chuyển đổi thành phương tiện xanh", TS Tùng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về các giải pháp nhằm giúp người dân chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện công cộng hoặc xe điện, TS Tùng cho rằng, ngoài từng bước nâng cấp hệ thống tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch,... cần có hàng rào kỹ thuật như chính sách hỗ trợ, khuyến khích mua và sử dụng xe điện.
"Tôi thấy điểm mới của Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua là thiết lập vùng phát thải thấp, tức là ở trong vùng này, có thể cho cho phép xe điện, xe hybrid hoặc xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro5 trở lên mới có thể hoạt động. Xe nào không đạt chuẩn "mời" ở ngoài. Ngay đến cả xe thu gom, vận chuyển rác, tôi cho rằng Hà Nội cũng cần chuyển đổi sang phương tiện xanh trước năm 2030", TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Việc chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xanh là vấn đề tất yếu hướng tới Net Zero. Ảnh minh hoạ: Carcoops
Phân tích về lượng khí thải của phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thạo - Giảng viên Đại học Giao thông vận tải cho biết, theo nghiên cứu, trung bình xe ô tô con xả 250g khí thải CO2 ra môi trường trên mỗi km. Nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô con thải ra môi trường có thể lên tới 3 tấn, đây là con số khổng lồ.
"Để giảm phát thải về "0", nguyên tắc chung cần thực hiện là chuyển từ phát thải cao về thấp và chuyển từ phát thải thấp về "0". Muốn thực hiện được điều này thì phải chuyển đổi năng lượng, từ sử dụng năng lượng phát thải sang năng lượng sạch mà bản chất là chuyển đổi công nghệ, từ xe động cơ đốt trong sang xe điện", TS Nguyễn Đình Thạo nói.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội cho rằng, xu thế chuyển đổi giao thông xanh là tất yếu, ai không tham gia sẽ bị loại chứ không thể lùi. Tuy nhiên, để xe công cộng phát huy tốt phải có bến bãi tốt, hệ thống kết nối giao thông liên kết chặt chẽ, đầu tư hạ tầng, trạm sạc,...
"Theo thống kê của Bộ Y tế, ung thư phổi với nguyên nhân chủ yếu do ô nhiễm không khí là bệnh đứng thứ 2 gây chết người ở Việt Nam. Điều này gây nên hậu họa cho nhiều gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến một trong 3 yếu tố phát triển bền vững của cả nước cũng như của Thủ đô. Tầm quan trọng của chuyển đổi xanh trong xu hướng hiện nay là tất yếu, đa lợi ích mà chúng ta chưa thể đong đếm được", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ tại Tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Hoàng Hiệp
Hà Nội đi trước trong quy hoạch mạng lưới hạ tầng trạm sạc xe điện
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm ngay là giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn với gần 7 triệu xe máy; 1,1 triệu ô tô; ngoài ra có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.
Tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh các giải pháp trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân cần ưu tiên thực hiện ngay.
Cụ thể, Hà Nội sẽ rà soát để tổ chức lại giao thông một cách khoa học, hợp lý để giảm thời gian sử dụng ô tô xe máy cá nhân trên đường; đồng thời tính toán cơ chế, thể chế để vừa khuyến khích, vừa kiểm soát tốt các loại xe thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng của Thủ đô về kiểm định khi thải cho ô tô và xe máy.
Liên quan đến quy hoạch mạng lưới hạ tầng trạm sạc cho ô tô điện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đã giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Công Thương rà soát và ban hành các kịch bản cũng như quy hoạch chi tiết mạng lưới trạm sạc để làm cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư.
Xe điện Wuling Mini EV được chọn làm xe taxi điện mini đầu tiên tại Việt Nam, lăn bánh trên đường tại TP Tuy Hòa, Phú Yên
Về giao thông công cộng của Hà Nội, ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Điều hành Giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho hay, hiện Hà Nội là địa phương hiếm hoi trên cả nước không có phương tiện công cộng sử dụng trên 10 năm, trung bình là 3,5 năm.
Ông Phương cho biết, trong thời gian qua, riêng 10 tuyến buýt điện đã giúp giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh; tiến tới có thể giảm phát thải tới 120 nghìn tấn CO2/năm.
"Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi phương tiện xanh. Trong đó chúng tôi có kế hoạch giai đoạn đến 2030 là 50% xe chạy điện, 50% xe chạy bằng khí CNG; ưu tiên trong vành đai 4 chỉ sử dụng các loại xe vận tải công cộng như xe buýt, taxi chạy điện", ông Phương nói thêm.
Tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải đã nêu rõ: Từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45%-50%; TP Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25%-35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10%-15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%. Tiếp đó, trong giai đoạn 2031-2050, cụ thể là từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. |
Theo Vietnamnet